Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Tiết kiệm khi đi du học – tưởng khó mà… dễ không tưởng

Tài chính luôn là vấn đề khiến du học sinh và gia đình “đau đầu” khi đi du học, nhưng nếu biết cách tiết kiệm, vấn đề tưởng chừng nhạy cảm này sẽ “dễ thở” hơn nhiều.
Đi du học đồng nghĩa với bạn phải “đối phó” với vô số chi phí lớn nhỏ đến từ tiền học và sinh hoạt phí. Tuy nhiên, vẫn có những cách tiết kiệm giúp bạn vừa có những trải nghiệm tuyệt vời trong quãng thời gian xa nhà, vừa giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và chính bản thân.
1. Lập kế hoạch trước khi xa nhà
Trước khi đặt chân tới miền đất mới, tốt nhất hãy tìm hiểu các chi phí quan trọng trong những năm tháng du học sinh từ ngôi trường bạn nộp đơn xin học hoặc xin lời khuyên từ bạn bè, thành viên trong gia đình nếu họ từng có thời gian lưu trú ở nơi này. Ngoài những phần “cứng” như học phí, tiền thuê nhà, hãy nhớ tính toán cả chi phí cho thực phẩm, đi lại, mua sắm,… thậm chí cả những khoản phát sinh trong quá trình học tập và làm việc.
2. “Săn” học bổng
Đây là cách “gánh” học phí phổ biến nhất của giới du học sinh. Bạn có thể tìm học bổng toàn phần hoặc bán phần từ các trường đại học/cao đẳng ngay từ khi còn trong nước hoặc cố gắng đáp ứng các yêu cầu về điểm số để nhận học bổng trong thời gian theo học. Nhiều trường còn hỗ trợ cả sinh hoạt phí cho du học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động ngoại khóa.

3. Kiếm việc làm thêm
Đây cũng là cách kiếm tiền “xưa như Trái Đất” của sinh viên quốc tế. Dù nhiều người nghi ngại rằng làm thêm có thể ảnh hưởng tới công việc học tập của du học sinh nhưng thực tế cho thấy ở mỗi nước đều có những quy định riêng để việc này không làm ảnh hưởng tới sự nghiệp học hành của sinh viên. Những việc làm thêm phổ biến ở nước ngoài thường là phụ bếp, bồi bàn,… thậm chí ai học giỏi còn có thể trở thành trợ giảng hoặc làm việc trong thư viện trường.
Ngoài lợi ích tài chính, làm thêm còn giúp bạn nâng cao khả năng ngoại ngữ, các kỹ năng giao tiếp cũng như tích lũy trải nghiệm về đời sống, văn hóa của người bản địa.
4. Sử dụng các mã giảm giá cho sinh viên
Bạn có thể sử dụng thẻ sinh viên quốc tế để nhận các ưu đãi dành cho sinh viên khi mua vé tàu điện, tham quan bảo tàng, vào rạp chiếu phim, vv… Đừng lo nếu tuổi thật của bạn vượt quá số tuổi được quy định bởi miễn bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, những mã giảm giá này sẽ hoàn toàn hợp lệ.
5. Đăng kí bảo hiểm y tế cho du học sinh
Sẽ khá khó khăn khi chi phí khám chữa bệnh ở một số quốc gia vô cùng đắt đỏ trong khi bạn không có quyền tiếp cận dịch vụ y tế công cộng như người bản xứ, bởi vậy đăng ký bảo hiểm y tế dành cho du học sinh là điều tối cần thiết trong những năm tháng “đất khách quê người”. Nếu nơi bạn lưu trú thường xuyên nhận du học sinh, bạn hoàn toàn có thể biết tên và địa điểm làm viêc của các bác sĩ có thể trợ giúp bạn khi đi du học.
6. “Cũ người mới ta”
Sử dụng lại đồ cũ là lựa chọn không tồi với những du học sinh có “hầu bao” eo hẹp. Mua lại sách giáo khoa, đồ nội thất, vv… đã qua sử dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể mà không lo lãng phí một khi đã chán hay thấy những món đồ này không còn cần thiết.
7. Ghi lại các khoản chi tiêu
Nếu quen “vung tay quá trán”, bạn có thể tập từ bỏ thói quen này khi ở xứ người bằng cách ghi lại các khoản chi tiêu hàng ngày qua các ứng dụng như Mint Budgeting, PocketGuard, Wally,… nhằm kiểm soát chi phí sinh hoạt hàng ngày.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét