Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Học bổng du học – chẳng phải chuyện đùa

Học bổng là đích nhắm của nhiều du học sinh. Tuy nhiên, tỉ lệ cạnh tranh cao cùng yêu cầu đầu khó khiến đây không phải việc dễ dàng với rất nhiều người.
Nhận học bổng đi du học là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ bởi nó vừa là hình thức hỗ trợ tài chính tối ưu, vừa là thước đo chứng minh khả năng ưu tú của bản thân. Tuy nhiên, xin học bổng chưa bao giờ là việc dễ dàng, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo trong thời gian dài cũng như năng lực, trình độ thực sự của ứng cử viên. Do vậy, gia đình và bản thân các bạn trẻ cần có sự cân nhắc kỹ lương để có bước đi đúng đắn, tránh mất thời gian mà vẫn “xôi hỏng bỏng không”.


Thành tích và khả năng học tập
Đây là yếu tố tiên quyết để các trường ở nước ngoài xét duyệt đơn xin học bổng của bạn. Dù mỗi trường có tiêu chí về điểm trung bình (GPA) khác nhau, nhưng nhìn chung 7.0 là điểm tối thiểu để bạn nộp hồ sơ và lọt vòng xét duyệt.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỉ lệ “chọi” giành học bổng là rất lớn nên đây mới chỉ là điều kiện cần, còn nếu muốn chắc chắn nắm học bổng trong tay, điểm trung bình của của sinh viên phải càng cao càng tốt. Thông thường, bạn cần xác định mình có GPA từ 8.0 trở lên thì mới có nhiều khả năng đậu học bổng.
Ngoài ra, sinh viên cũng cần có điểm số tốt trong các bài thi mang tiêu chuẩn thế giới như IELTS, TOELF, hay kiểm tra tư duy (SAT, GRE) nhằm tiến thêm một bước nữa trong hành trình xin học bổng. Chỉ riêng với chứng chỉ IELTS, ở nhiều nước, các ứng cử viên phải đạt điểm tối thiểu là 6.5.
Học bổng cần khả năng học tập ưu tú toàn diện như vậy, bạn liệu có sẵn sàng và xác định mình đủ khả năng không?
Hồ sơ đủ ấn tượng
Mỗi năm, các trường nhận đến hàng nghìn hồ sơ của các sinh viên có ý định du học nói chung và xin học bổng nói chung, bởi vậy bạn cần biết cách khiến mình trở nên đặc biệt, thu hút sự chú ý của hội đồng tuyển chọn.
 Muốn vậy, người xin học bổng ngoài hoàn thiện hồ sơ đẹp về điểm số còn phải biết cách gây gây ấn tượng như chứng minh mình có tham gia các hoạt động ngoại khóa, vì cộng đồng hay trả lời thật thông minh và khéo léo trước các câu hỏi về mục đích du học và cống hiến, vv… 
Đây cũng là bước các du học sinh cần chuẩn bị công phu và tỉ mỉ, đặc biệt cần trung thực, tránh làm giả các thông tin, giấy kèm. Chỉ cần một sai sót nhỏ bị phát hiện là bạn có thể phải ngậm ngùi chào tạm biệt với ngôi trường và gói học bổng trong mơ rồi..
Xác định loại học bổng
Lý do lớn nhất khiến nhiều bạn trẻ xin học bổng không thành chính là do không xác định được loại học bổng phù hợp với năng lực bản thân. Tùy vào từng trường và loại học bổng, sẽ có những tiêu chuẩn và yêu cầu khác nhau cho các ứng cử viên.  
Ví dụ: điều kiện cấp học bổng của 1 số đại học của Úc là điểm trung bình đạt từ 8.0, IELTS đạt từ 6.5 trở lên, hay học bổng nghiên cứu do chính phủ quốc gia này cấp cần tối thiểu hai năm kinh nghiệm làm việc phù hợp tại Việt Nam, vv…
Các mức học bổng cũng phân bố từ 30%, 50% cho đến 100%, giá trị cao thì độ khó cũng tăng dần. Nếu không xác định đúng đắn năng lực bản thân nhưng lại chọn mức học bổng giá trị lớn, tỉ lệ trượt hẳn cũng sẽ tăng.
Không phải cứ học bổng cao các bạn mới có thể đi du học được, điều quan trọng là bạn có khả năng đạt được mức nào để có sự đầu tư hợp lý. Các bạn cần xác định một khi ra được nước ngoài, sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên chứ không quá nhất thiết phải phụ thuộc vào học bổng.
Ngoài ra, có những trường đánh giá bạn đủ yêu cầu nhận học bổng hay không dựa vào mức độ phù hợp của bạn với chương trình và loại học bổng đó có phù hợp với định hướng tương lai của bạn. Nếu không thể hiện được điều này trong hồ sơ, chắc chắn cơ hội nhận học bổng của các ứng cử viên sẽ rất mong manh.
Độ thiện cảm từ khả năng hòa nhập
Yếu tố quyết định trường có trao học bổng cho bạn hay không còn dựa vào việc bạn chứng minh mình năng nổ với các hoạt động ngoại khóa và dễ hòa nhập với cuộc sống mới đến đâu, thể hiện trong hồ sơ và vòng viết luận hoặc phỏng vấn trực tiếp với trường.
Nếu bạn chỉ chăm chăm làm đẹp hồ sơ nhưng không thể hiện được sự cố gắng hòa nhập hay khả năng hoạt động ngoại khóa trong câu trả lời trực tiếp, làm sao trường tin rằng bạn xứng đáng với học bổng được trao?
Độ tin cậy từ thư giới thiệu
Thông thường, nếu người viết thư giới thiệu (letter of recommendation) có chức vụ, địa vị cao thì tỉ lệ nhận học bổng thành công cũng lớn hơn. Tuy nhiên, việc bạn có tìm được cá nhân vừa uy tín lại lại sẵn sàng đề cử mình với các trường hay không cũng là một vấn đề nan giải.
Cũng cần phải tính đến trường hợp người được nhờ viết thư giới thiệu không thực sự hiểu ứng cử viên, dẫn đến không trả lời được các câu hỏi liên quan khi trường xác minh hồ sơ. Khi đó, khả năng nhận học bổng của các bạn trẻ lại càng bất khả thi.
Với tất cả các thông tin trên, hy vọng rằng quý vị phụ huynh và các bạn học sinh đã có cái nhìn đúng đắn, tổng quát nhất về học bổng du học. Từ đó có thể nhìn nhận đúng nhất về khả năng bản thân, hướng tới những học bổng du học phù hợp trong tương lai.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét