Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Thuê nhà nơi xứ người và những điều du học sinh cần lưu ý

Nơi ăn chốn ở cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập, bởi vậy du học sinh cần tìm hiểu và nắm rõ điều kiện từng loại hình nhà ở tại nước ngoài trước khi đặt bút ký hợp đồng.
Đã có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh chuyện thuê nhà của du học sinh Việt như không kịp đăng ký ký túc xá, phải thuê căn hộ vào giờ chót với giá “cắt cổ”, bị lừa, mâu thuẫn với bạn cùng nhà, vv… Đa phần rắc rối nảy sinh do sinh viên không tìm hiểu kỹ về các loại hình nhà ở hay bị lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết khi ký hợp đồng, vv… Trong bài viết này, EduViet Global hy vọng cung cấp cho các bạn cái nhìn toàn cảnh về việc thuê nhà, giúp sinh viên chuẩn bị kỹ càng hơn trước khi đi du học.

Các hình thức nhà cho thuê
Thuê nhà là lựa chọn tối ưu cho sinh viên quốc tế trên 18 tuổi, muốn tiết kiệm và thích nếp sống tự do, không bị quản lý về giờ giấc. So sánh với homestay và hình thức ký túc xá, du học sinh sẽ “giắt túi” được 1 khoản đáng kể khi tìm được nhà phù hợp với ví tiền và tìm được người ở ghép, sẵn sàng “cưa đôi” sinh hoạt phí (tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, vv…).
Bạn có thể thuê phòng, căn hộ hoặc cả căn nhà, tùy thuộc vào “hầu bao” hay số người sẵn sàng dọn đến cùng. Tùy quốc gia và trường bạn theo học, có nơi sẽ hỗ trợ dịch vụ giúp bạn thuê nhà, có nơi bạn sẽ phải tự thân tìm kiếm.
Dù vậy, khi thuê nhà, bạn cần xác định một số nhược điểm như vị trí nơi ở không thuận lợi, cách xa đường đến trường và các khu vực tiện ích. Nhà rẻ thường ở các vùng hẻo lánh, cách xa trung tâm thành phố, ít phương tiện công cộng. Còn nếu muốn gần trường học, các nơi sầm uất, vv… người thuê phải chịu chi phí đắt đỏ hơn. Ngoài ra, cũng cần để ý về tình trạng nơi ở, người thuê,… 
Sau đây là các thông tin cần lưu ý khi tìm nhà cho thuê trên quảng cáo:
- Unfurnished: bạn phải tự mua đồ nội thất riêng (ghế, bàn, giường).
- Furnished: nhà đã trang bị đủ nội thất (chi phí thường sẽ cao hơn).
- Rooms for rent: thường là phòng trong nhà với bếp, nhà tắm và toilet sử dụng chung, có giá rẻ hơn.
- Rental to Share: là căn hộ hay nhà đã có người thuê rồi và họ đang tìm người ở ghép. Bạn sẽ có phòng riêng nhưng phải sử dụng chung các cơ sở vật chất khác.
- Sublets: tình trạng nhà đang được cho thuê, nhưng người thuê muốn chuyển đi trước khi chấm dứt hợp đồng và hiện đang tìm người sang nhượng lại.
Cẩn trọng khi ký hợp đồng
Khá nhiều du học sinh đã “há miệng mắc quai” khi đặt bút ký hợp đồng thuê nhà mà không xem kỹ chỗ ở và các điều khoản, dẫn tới bị “bắt chẹt”, lừa đảo hay tệ hơn là chủ nhà ôm tiền “cao chạy xa bay”. Giới sinh viên quốc tế thường “mách” nhau nắm vững những nguyên tắc này  trước khi dọn đến bất kỳ đâu:
· Xem kỹ hợp đồng
Hợp đồng thường dài, đôi chỗ khó hiểu nên nhiều bạn trẻ có xu hướng đọc lướt và… ký đại. Tuy nhiên, đây là yếu tố tối quan trọng bởi nhiều khi chủ nhà sẽ thêm những điều khoản không có lợi cho người thuê hoặc không có trong thỏa thuận trước đây.
Lời khuyên: hãy nhờ người có hiểu biết về luật pháp hoặc có kinh nghiệm thuê nhà đọc giúp học đồng. Một số trường học còn cung cấp dịch vụ này cho những sinh viên còn bỡ ngỡ .
·  Kiểm tra “đích đến” của phần đặt cọc
Trước khi chuyển vào nhà mới, du học sinh sẽ phải đặt cọc một khoản tương đương 6 tuần tiền nhà và được gia chủ giữ tới lúc hợp đồng hết hạn, phòng khi bạn không trả tiền đúng hạn hay chẳng may làm hư  nội thất. Chủ nhà hoặc đại diện địa ốc có trách nhiệm đưa bạn giấy nộp tiền cọc (Bond Lodgement form) để bạn ký và giữ lại 1 bản, sau đó gửi tiền cọc tới Cơ quan quản lý đặt cọc. Nơi này sẽ gửi bạn biên lai và giữ phần tiền trên. Khoản này sẽ được hoàn trả khi việc cho thuê chấm dứt.
Sẽ là trái luật nếu chủ nhà không chịu nộp khoản đặt cọc này cho cơ quan quản lý, do vậy bạn cần yêu cầu chủ hộ hoặc đại diện địa ốc đưa bằng chứng xác thực việc đã nộp tiền.
·  Quy định rõ ràng về người phải trả hóa đơn
Có chủ nhà sẽ đứng ra trả hóa đơn điện, nước,… trong khi một số nơi lại quy định người thuê phải lo liệu khoản phí này. Chủ nhà và người thuê cần đàm phán kỹ về vai trò của hai bên và trình bày thỏa thuận dưới dạng văn bản. Du học sinh có thể tham khảo thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ giữa chủ hộ và người thuê theo luật pháp của từng vùng lãnh thổ.
·  Xem xét tình trạng nhà
Các chủ nhà thường cung cấp 1 bảng kiểm kê chi tiết về bất động sản bạn muốn thuê, bao gồm số phòng, đồ nội thất, phụ kiện và tình trạng của từng món. Nếu không ai đưa cho bạn, hãy tự mình lập danh sách, chụp ảnh làm bằng chứng và gửi cho chủ nhà, tránh bị “bắt chẹt” sau này.
·  Biết công năng của các thiết bị năng lượng
Trước khi ký hợp đồng, hãy kiểm tra Chứng chỉ tiêu phát năng lượng của căn nhà bạn lựa chọn (Energy Performance Certificate) bởi đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh tới hóa đơn năng lượng bạn phải trả.
·  Nắm quy tắc về trục xuất
Một khi đã ký hợp đồng, chủ hộ không thể tự ý đuổi bạn khỏi nhà mà không đưa sự việc lên tòa án và thực hiện các quy trình thủ tục. Tương tự, chủ nhà cũng không thể tự ý tăng tiền thuê nếu hợp đồng đã nêu rõ khoản phí phải trả trong thời gian nhất định.
· Xác minh thông tin về chủ nhà
Để tránh lừa đảo, bạn cần kiểm tra các thông tin về chủ nhà cũng như các đánh giá của người thuê trước đó. Ở một số địa phương, chủ hộ hoặc đại diện địa ốc muốn cho thuê nhà phải đăng ký với chính quyền và sẽ có mã để kiểm tra online. Ngoài ra, có những trường sở hữu dịch vụ giới thiệu các chủ thuê uy tín cho du học sinh có nhu cầu tìm nhà.
·  Cam kết bằng văn bản
Nếu chủ nhà hứa hay đồng ý bất cứ điều gì về bất động sản được thuê, đảm bảo rằng họ phải trình bày trên văn bản làm bằng chứng khi họ không thực hiện y như cam kết.
Các câu hỏi thường gặp
Hẳn sẽ có những du học sinh sẽ lâm vào cảnh “chân ướt chân ráo”, không thông thạo tiếng hoặc tin vào lời giới thiệu của chủ nhà nên cả nể, ngại hỏi về tình trạng nơi mình muốn thuê hay các điều khoản còn khúc mắc trong hợp đồng. Đừng vứt bỏ quyền lợi chính đáng của bạn và lời khuyên là phải hỏi thật kỹ nhằm tránh tình trạng “bút sa gà chết”.
Dưới đây là những câu hỏi du học sinh bắt buộc phải đặt cho chủ nhà hoặc đại diện địa ốc trước khi ký hợp đồng:
·  Giá cả : Nhà có giá bao nhiêu? Đâu là thời gian hợp đồng có hiệu lực và hết hạn?
·  Tiền cọc : Chi phí đặt cọc hết bao nhiêu? Nộp tiền ở đâu? Tiền đặt cọc sẽ hoàn trả như thế nào khi vô hiệu hóa hợp đồng?
·  Hỏng hóc và sửa chữa: Ai là người thanh toán khi đồ dùng trong nhà hư hỏng?
·  Người ở ghép : Hợp đồng có cần chữ ký của tất cả người thuê không? Tiền thuê có được chia theo đầu người không? Nếu có ai chuyển đi, những người còn lại có phải bù phí không?
·  Hoạt động kiểm tra của gia chủ : Khi nào chủ nhà được tới kiểm tra và hoạt động này sẽ được thông báo thế nào?
·   Tiện ích : Tiện ích nào có chi phí nằm trong tiền thuê? Thủ tục thanh toán diễn ra như thế nào?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét